Chấn thương đầu gối là một trong những chấn thương rất dễ gặp trong quá trình tập luyện hay chơi thể thao. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ để lại những hệ luỵ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, phòng tránh và điều trị như thế nào là điều mà những người chơi thể thao cần phải biết.
1. Nguyên nhân
- Nguyên nhân trực tiếp
Các chấn thương khớp gối do nguyên nhân chấn thương trực tiếp như: xảy ra các va chạm trực tiếp vào đầu gối dẫn đến những chấn thương như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt hay do chấn thương thể thao (bóng đá, bóng chuyền, các môn thể thao đối kháng…)
- Nguyên nhân gián tiếp
Các chấn thương khớp gối gián tiếp thường xảy ra do việc thay đổi tư thế đột ngột như: xoay người đột ngột, dừng lại đột ngột khi chạy, nhảy từ trên cao xuống… Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra các chấn thương dây chằng.
2. Phương pháp điều trị
- Sơ cứu các chấn thương đầu gối
Nguyên tắc cơ bản trong sơ cứu chấn thương đó là không làm tổn hại thêm tình trạng của người bệnh. Với các chấn thương nặng nghi ngờ trật khớp, gãy xương hoặc có vết thương hở kèm theo, tuyệt đối không tự ý kéo nắn khớp nếu không phải nhân viên y tế. Với vết thương hở có thể sử dụng gạc hoặc vải sạch, ép vào miệng vết thương để cầm máu, tuyệt đối không đắp các loại lá, thuốc lào… vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân. Không tự ý vận chuyển người bệnh, cần gọi trợ giúp y tế để đưa bệnh nhân đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất.
Với các chấn thương mà người bệnh không quá đau đớn, có thể tự cử động một phần khớp nhưng khó khăn trong việc đi lại, di chuyển, thì cần trợ giúp cố định khớp gối cho bệnh nhân. Có thể sử dụng nẹp gỗ hoặc các loại nẹp chuyên dụng để cố định khớp gối, sau đó đưa người bệnh đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám
- Điều trị không phẫu thuật
Đối với những tổn thương ở mức độ nhẹ hoặc những bệnh nhân có tuổi và cường độ vận động thấp, bệnh nhân có thể thực hiện điều trị bằng phương pháp RICE kết hợp sử dụng đai cố định, nẹp để cố định giúp bảo vệ đầu gối khỏi tình trạng mất vững.
Phục hồi chức năng – vật lý trị liệu cũng là biện pháp thường được áp dụng nhằm giúp tăng cường sức mạnh các cơ ở chân, hỗ trợ phục hồi tốt hơn chức năng vận động của đầu gối sau chấn thương
- Phẫu thuật
Đối với các trường hợp chấn thương ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ xem xét và yêu cầu thực hiện phẫu thuật. Đối với phẫu thuật đầu gối sẽ tùy thuộc vào các tổn thương để có các biện pháp phẫu thuật khác nhau. Ví dụ như: phẫu thuật mở, phẫu thuật nội soi… Bác sĩ sẽ căn cứ trên tình trạng tổn thương của bệnh nhân để chỉ định những phương pháp phẫu thuật thích hợp.
3. Cách phòng tránh
Để hạn chế các chấn thương đầu gối, chúng ta nên tập luyện và chơi thể thao đúng cách. Người chơi nên có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ, kỹ thuật viên hoặc huấn luyện viên thể thao để có thể thực hiện các bài tập một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, người chơi thể thao cũng nên thực hiện các bài tập khởi động đúng phương pháp và hạn chế va chạm trong quá trình tập luyện để giảm thiểu các chấn thương đầu gối.
Cùng với việc tập luyện thể thao đúng cách, việc đề cao an toàn trong lao động và thực hiện tốt an toàn giao thông, phòng tránh té ngã cũng là phương pháp để có thể hạn chế các chấn thương đầu gối có thể xảy ra.
4. Phương pháp chăm sóc
- Chăm sóc và phục hồi chấn thương đầu gối theo nguyên tắc RICE.
Với các chấn thương nhẹ, người bệnh có thể cử động khớp tương đối trơn tru và tự đi lại được. Với các các triệu chứng sưng, đau, thì có thể theo dõi tại nhà. Điều trị chấn thương phần mềm đầu gối tại nhà theo nguyên tắc RICE:
Rest: Nghỉ ngơi
Ice: Chườm đá
Compression: Băng ép
Elevator: Gác chân cao
Người bệnh cần tới gặp bác sĩ nếu các triệu chứng đau và sưng nề kéo dài trên 48h mặc dù đã thực hiện đúng nguyên tắc RICE, hoặc có các dấu hiệu lỏng khớp, mất vững, kẹt khớp để thăm khám và phát hiện các chấn thương có nguy cơ ảnh hưởng tới vận động của khớp gối về sau.
Đối với các chấn thương đầu gối, bác sĩ sẽ tùy vào loại chấn thương, tình trạng, mức độ tổn thương, mức độ vận động của từng bệnh nhân để chỉ định phương pháp điều trị khác nhau.
- Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng
Chế độ ăn uống, sinh hoạt là một trong những yếu tố quan trọng giúp chấn thương khớp gối được phục hồi nhanh hơn. Trong thời gian thực hiện điều trị chấn thương khớp gối, chế độ ăn uống của bạn cần lưu ý:
– Sử dụng nhiều thực phẩm chứa canxi, vitamin C, D… như: sữa và chế phẩm từ sữa, bơ, cam, các loại hạt….
– Tăng cường sử dụng thực phẩm cung cấp omega-3, chondroitin, glucosamine như: cá hồi, các loại xương, tôm… giúp giảm sưng viêm, tăng cường các hợp chất tự nhiên có trong sụn khớp.
– Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, các chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, nước trà đặc…
– Chế độ nghỉ ngơi hợp lý, hạn chế thức khuya.
– Vận động nhẹ nhàng theo chỉ dẫn của bác sĩ, hạn chế vận động mạnh.
Khi gặp phải các chấn thương thể thao hãy nhanh chóng đến Vietlife Clinic với trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và máy móc hiện đại, các quy trình thăm khám, điều trị được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kinh nghiệm sẽ đem lại kết quả điều trị bệnh tối ưu cho Quý khách hàng.
Trong trường hợp bạn cần được tư vấn và đăng ký khám, hãy liên hệ ngay với Vietlife qua hotline (024) 73078999; Bộ phận CSKH sẽ hỗ trợ bạn đặt lịch khám và tư vấn cụ thể hơn về các dịch vụ tại Vietlife Clinic.